Chế biến thức ăn cho bò sữa

I.  Một số quy trình chế biến, dự trữ thức ăn.
1.1. Xử lý rơm khô
Nguyên liệu:
Có thể xử lý theo một trong các công thức sau
1)    Rơm khô 100kg, ure 4kg, nước sạch 70 – 100 lít
2)    Rơm khô 100kg, ure 4kg, vôi tôi 0,5 kg, nước sạch 70 -100 lít (nếu giá ure rẻ)
3)    Rơm khô 100kg, ure 2,5 kg, vôi tôi 2-3kg, nước sạch 70-100 lít (nếu giá ure đắt).

Hố ủ và dụng cụ
Có 3 loại hố ủ: có 3 vách, có 2 vạch cạnh nhau hoặc có hai vách đối diện. Nói chung là cần tối thiểu 2 vách để nén rơm cho chặt. Nền có thể là xi măng, gạch hay lót nhiều lá chuối hoặc nilon. Dung tích hố ủ phụ thuộc vào số lượng rơm cần ủ để đáp ứng được nhu cầu của gia súc. Nếu không làm hố ủ có thể ủ rơm trong túi nilon (bao đựng phân đạm) lồng trong bao tải dứa (100kg rơm cần 10 -12 bao tải dứa). Các dụng cụ khác dồm cân 1 chiếc, chậu to hay vại sành 1 cái để hoà tan ure, vôi, cô tôn 2 – 3 chiếc; ô doa 1 chiếc (để tưới cho đều). Nếu không có ô doa thì dùng gáo nhựa dội qua rổ thưa; dây nilon để buộc miệng bao tải, 1 mảnh ni lông rộng chừng 2 -3 m3.

Cách ủ
–  Ure và vôi được hoà nước cho tan đều.
–  Nếu ủ trong hố thì rải từng lớp rơm mỏng (20cm) rồi tưới nước ure/ vôi sao cho đều rơm, đảo qua đảo lại cho ngấm nước ure, dùng chân nén chặt, rồi lại tiếp tục rải một lớp rơm và nước, lại nén cho chặt. Sau đó phủ bao nilon lên trên sao cho thật kín, không để không khí, nước mưa ở ngoài lọt vào và khí amoniac ở trong bay ra.
–  Nếu ủ trong túi thì trên sân sạch hay trên một tấm nilon hoặc vải xác rắn rộng chừng 2 -3 m3 trải từng lớp rơm dày khoảng 20cm. Sau đó tưới nước đã hoà tan ure và vôi cho thấm ướt đều tất cả lớp rơm, không dội quá nhiều làm thừa nước ure chảy đi gây lãng phí. Tiếp theo cho lớp khác và lại tưới đều. Lần lượt làm như vậy tới khi ẩm hết lượng rơm cần xử lý. Các lớp dưới nên tưới ít hơn các lớp trên vì phần nước dư thừa sẽ thấm xuống các lớp dưới. Sau khi rơm được tưới đều cho chúng vào các bao tải dứa, nén thật chặt rồi buộc chặt. Đặt các bao tải này vào nơi sạch sẽ, tránh nắng, mưa, ẩm ướt.

Cho ăn
Sau khi ủ 2 tuần (mùa hè) hoặc 3 tuần (mùa đông) bắt đầu có thể lấy rơm ra cho ăn. Lấy vừa đủ lượng rơm cần thiết cho từng bữa. Lấy xong đậy kín hố ủ hoặc buộc kín bao nilong lại. Rơm ủ chất lượng tốt có màu vàng đậm, mùi ure, không có mùi mốc, rơm ẩm, mềm. Rơm ủ thường được trêu bò thích ăn và ăn được nhiều hơn so với khi chưa ủ. Tuy nhiên, một số trâu bò lần đầu tiên không chịu ăn rơm ủ urê, phải kiên trì tập cho chúng quen dần. Lúc đầu cho ăn ít, trộn chung với thức ăn khác, sau đó cho ăn tăng dần lên. Có thể nên lấy rơm ủ ra, phơi trong mát chừng 1 tiếng đồng hồ để mùi urê bay bớt. Cho rơm ủ vào rổ, thúng hay máng ăn sạch sẽ và nên trộn thêm 1 – 2kg cỏ xanh lên lớp trên để hấp dẫn trâu, bò, làm như vậy chừng 2 – 3 ngày. Khi trâu bò đã quen ăn thức ăn này, ta không cần phải phơi và trộn lẫn với cỏ nữa, nhưng nhớ cho ăn trong máng hay thúng, rổ cho sạch sẽ trâu bò sẽ ăn được nhiều hơn và ít bỏ thừa. Cho trâu bò ăn rơm đã chế biến càng nhiều càng tốt, nhưng hàng ngày vẫn cần chăn thả để bổ sung cho trâu, bò có đủ một lượng thức ăn xanh cần thiết. Nên cho ăn thường xuyên trong mùa đông thì hiệu quả mới cao.

1.2. Xử lý ủ rơm tươi
Ưu điểm của xử lý bảo quản rơm tươi
Từ trước đến nay, người ta chủ yếu ủ rơm khô, nhưng những nghiên cứu gần đây cho thấy có thể dự trữ rơm tươi quanh năm bằng cách ủ với urê. Việc ủ rơm tươi có nhiều ưu điểm so với ủ rơm khô như:
+ Rơm tươi có giá trị dinh dưỡng cao hơn rơm khô vì nhiều chất dinh dưỡng bị mất trong quá trình phơi khô. Tỷ lệ tiêu hoá rơm tươi cao hơn rơm khô và còn cao hơn cả rơm khô ủ urê.
+ Sau mỗi vụ gặt chỉ cần ủ một lần, dự trữ để cho ăn tới hết.
+ Sau khi ủ không cần hoà urê vào nước mà có thể rải urê trược tiếp lên rơm theo từng lớp (vì rơm tươi có tỷ lệ nước cao).
+ Ủ rơm tươi với urê đảm bảo giá trị dinh dưỡng của rơm, giữ nguyên gần như ban đầu.

Nguyên liệu:
Lượng urê dùng bằng khoảng 4% khối lượng của rơm. Do đó căn cứ vào hàm lượng nước của rơm khi đem ủ, tính toán lượng urê cho phù hợp. Tuy nhiên, độ ẩm của rơm sau khi thu hoạch thì độ ẩm của rơm đã thích hợp (>50%) nên không cần phải thêm nước mà chỉ cần rắc urê vào. Trường hợp rơm đã để quá khô thì phải cho thêm nước.

Hố ủ
Hố ủ làm giống như ủ rơm khô với urê. Vì rơm tươi thường được ủ với lượng lớn sau khi thu hoạch nên có thể cần nhiều hố ủ có kích thước lớn hơn.

Cách ủ:
Cho rơm vào hố ủ một lớp rơm thì rải một lớp urê, làm như thế cho đến khi đầy hố. Phủ hố ủ bằng bao nilon cho kín. Vì rơm còn tươi nên đòi hỏi phải nén thật chặt và phủ nilon thật kín tránh tổn thất trong quá trình hô hấp và lên men vi sinh vật.

Cho ăn
Cách cho ăn rơm ủ tươi cũng tương tự như rơm khô được ủ với urê/ vôi ở trên.

1.3. Ủ chua thân, lá cây ngô xanh sau khi thu bắp
Thông thường thức ăn ủ chua được làm từ toàn bộ thân cây ngô, tức là gồm cả lá, thân và bắp. Tuy nhiên có thể tận thu lá và thân cây ngô sau khi đã thu bắp để ủ chua. Người ta có thể thu bắp ngô lúc còn non (ngô bao tử), khi hạt chín sáp (ngô nếp để luộc) và sau khi hạt đã khô (ngô già). Các loại cây ngô này có thành phần hoá học rất khác nhau. Kỹ thuật ủ chua vì thế mà thay đổi tuỳ theo loại cây ngô đem sử dụng.

Nguyên liệu
Đối với cây ngô còn non có hàm lượng vật chất khô thấp thì cần phơi tái khoảng 2 ngày trước khi ủ để tăng hàm lượng vật chất khô lên trên 25%.
Đối với cây ngô già thì không phơi mà ủ ngay vào chính ngày thu hoạch bắp. Cần bổ sung thêm rỉ mật hoặc cám (để tăng bột đường). Thường dùng 10kg rỉ mật cho một hố ủ khoảng 1,5m3.

Hố ủ và dụng cụ
Hố ủ được xây dựng bằng gạch và xi măng. Có thể làm hố ủ chứa tới hàng nghìn khối thức ăn. Trong điều kiện nông hộ, mỗi hố có thể có kích thước 1m x 1m x 1,5m = 1,5m3. Dùng túi nilon để ủ chua trong điều kiện nông hộ cho kết quả rất tốt.

Cách ủ
Thái thân cây và lá ngô thành từng mẩu 6-10 cm. Loại bỏ những lá khô ở gốc cây (nếu có). Chất nguyên liệu vào hố ủ theo từng lớp dày 15 – 20 cm và nén chặt. Đối với cây ngô già thì hoà rỉ mật đường với 50% nước và tưới đều. Khi hố ủ đầy tiến hành phủ kín bằng nilon và dùng chất phủ lên. Nếu ủ bằng túi nilon thì buộc chặt miệng túi lại. Chú ý không ủ vào lúc trời mưa.
Cho ăn
Sau khi ủ 3 tuần bắt đầu có thể lấy thức ăn ra cho ăn. Lấy vừa đủ lượng cần thiết cho từng bữa. Lấy xong đậy kín hố ủ để tránh không khí và nước mưa thấm vào.

1.4. Ủ chua ngọn lá mía
Ngọn lá mía (NLM) là phần trên của cây mía được chặt bỏ lại sau khi thu hoạch cây mía. Đây là một nguồn phụ phẩm có khối lượng rất lớn của ngành mía đường. Về nguyên tắc gia súc nhai lại hoàn toàn có thể sử dụng nguồn phụ phẩm này làm thức ăn. Đặc biệt, vụ thu hoạch mía (tháng 11 – tháng 3) trùng với vụ thiếu cỏ xanh nên ngọn lá mía có thể .dùng làm nguồn thức ăn thô xanh quan trọng cho trâu bò. Tuy nhiên, do việc thu hoạch mía mang tính ồ ạt theo từng đợt nên cần được ủ chua để sử dụng được rải vụ. Khi thu hoạch mía làm đường, phần ngọn lá còn xanh chiếm từ 10 – 12% tổng sinh khối cây mía. Do đó ước tính ở nước ta hiện nay có khoảng 1,5 triệu tấn phụ phẩm này. Mặc dù hàm lượng xơ cao (40-43%) nhưng lá mía lại chứa một lượng đáng kể dẫn xuẫn không đạm thích hợp cho quá trình lên men và có thể dùng để ủ chua. Ngọn lá mía khi thu hoạch cây hãy còn xanh được thái nhỏ từ 2-3 cm (phần cứng như búp ngọn cần đập dập trước khi thái nhỏ). Cứ 100kg ngọn lá mía cần bổ sung thêm 1,5 kg rỉ mật, 3 kg bột sắn và 0,5 kg muối ăn.
Phương pháp chuẩn bị hố ủ, cách ủ tương tự như ủ cây ngô sau khi thu bắp xanh. Hằng ngày trâu, bò cày kéo nên cho ăn 10 -12 kg và ăn thêm cỏ xanh, rơm. Trâu, bò không phải làm việc trong mùa đông cho ăn 5 – 7kg cùng với rơm lúa và chăn thả.

1.5. Ủ chua phụ phẩm dứa
Phụ phẩm dứa bao gồm chồi ngọn của quá dứa, vỏ cứng ngoài, những vụn nát trong quá trình chế biến dứa, bã dứa ép và toàn bộ lá của cây dứa phá đi trồng mới. Hàng năm loại phụ phẩm này ở các nông trường trồng dứa và các cơ sở chế biến dứa thải ra rất nhiều. Mỗi ha dứa phá đi để trồng lại sau 2 vụ thu quả cho năng xuất lá trung bình 50 tấn, tương đương với 1 ha cỏ trống, mỗi tấn dứa đưa vào chế biến theo quy trình chế biến dứa đông lạnh cho 0,25 tấn chính phẩm và 0,75 tấn phụ phẩm tức là cứ 4 kg nguyên liệu cho 1kg thành phẩm, mỗi tấn dứa đưa vào chế biến theo quy trình chế biến dứa đóng hộp có 0,35 tấn chính phẩm và 0, 65 tấn phụ phẩm tức là cứ 3kg nguyên liệu cho 2 kg phụ phẩm. Phụ phẩm dứa ở nước ta từ trước tới nay hầu như chưa được sử dụng rộng rãi trừ một số bã dứa tươi được dùng cho trâu bò ăn thêm hoặc nuôi các, còn chồi ngọn và lá dứa có gai cứng nên trâu bò không ăn. Các nông trường trồng dứa, lá dứa bị bỏ khô ở trên đồi hoặc được vùi làm phân bón. Các nhà máy chế biến hoa quả phần lớn phụ phẩm dứa được đưa ra bãi rác gây ô nhiễm môi trường. Đặc điểm của loại phụ phẩm này là hàm lượng chất xơ cao nhưng nghèo protein. Do vậy việc sử dụng các phụ phẩm dứa làm thứ ăn cho trâu, bò với tỷ lệ không hợp lý đã tạo ra môi trường không thuận lợi cho hoạt động phân giải thức ăn của vi sinh vật dạ cỏ, dẫn đến làm giảm hiệu quả sử dụng thức ăn của khẩu phần. Tuy vậy, phủ phẩm dứa có hàm lượng đường dễ tan cao, thuận lợi cho quá trình lên men nên có thể ủ chua để làm thức ăn nhằm thay thế một phần thức ăn thô xanh trong khẩu phần gia súc nhai lại.

Nguyên liệu
Có thể áp dụng một trong các công thức ủ chua sau
1)    75% chồi ngọn dứa + 25% vỏ và bã dứa + 0,5% NaCL
2)    100% chồi ngọn, thân và lá dứa + 0,5 % NaCl
3)    100% vỏ quả và bã dứa ép + 0,5% NaCl
4)    %0% chồi ngọn và phụ phẩm khác + 50% cây ngô + 0,5 NaCl

Hố ủ
Hố được xây nổi trên mặt đất, trên có mái che. Kích thước hố ủ tuỳ theo quy mô đàn gia súc. Đối với các hộ nông dân chăn nuôi theo quy mô nhỏ, hố ủ có dung tích nhỏ ( 1- 2 tấn). Đối với các trại chăn nuôi, dung tích hố ủ có thể lên tới hàng trăm tấn. Các hộ gia đình có thể tận dụng bể chứa nước hoặc ô chuồng lợn làm hố ủ. Cũng có thể dùng túi nilon để ủ, có thể tận dụng các vỏ bao phân đạm làm túi ủ, bên ngoài túi nilon là bao tải sợi dai chắc.

Cách ủ
–  Ủ trong hố
Các nguyên liệu trước khi ủ được thái với độ dài 3-5 cm. Rải thức ăn thành từng lớp dày 20 cm. Cứ mỗi lớp lại một lần rắc muối ăn. Sau vài lớp lại một lần đầm nén để tăng độ yếm khí trong hố ủ. Trên mặt hố phủ một tấm nilon, trên cùng đổ một lớp đất dày 30 – 40 cm.
–  Ủ trong túi nilon
Nguyên liệu được thái với độ dài 2 – 3 cm. Cứ mỗi lớp thức ăn dày 15 cm lại một lần rắc muối ăn. Sau vài lớp thức ăn lại một lần đầm nén. Sau khi túi đầy dùng dây buộc chặt miệng túi, rồi buộc miệng bao tải lại. Các túi được xếp dựng đứng rồi chôn kín xuống dưới đất hoặc các túi được xếp chồng lên nhau ở nơi khô ráo.

Cho ăn
Sau khi ủ 3 tuần có thể lấy cho ăn. Cho trâu, bò ăn phụ phẩm dứa ủ xanh cùng với các thức ăn khác. Cho ăn đến đâu lấy đến đấy và lấp phủ kín phần còn lại để tránh bị hỏng.

1.6. Ủ chua cây lạc.
Cây lạc khi thu hoạch củ vẫn còn xanh và giàu chất dinh dưỡng. Đặc biệt, chúng có hàm lượng protein thô khá cao ( 15 – 16%, cao hơn gần 2 lần lượng protein thô trong hạt ngô). Một sao lạc có thể thu được 300 – 400 kg thân cây lạc. Đây là nguồn thức ăn có giá trị cho vật nuôi. Điều khó khăn là vụ thu hoạch lạc là tháng 6 -7 dương lịch, tức là vào thời kỳ mưa nhiều nên cây lạc rất dễ bị thối, hỏng. Tuy vậy, có thể biến cây lach theo phương pháp ủ chua, dự trữ được hàng năm làm thức ăn cho trâu, bò.

Nguyên liệu
Thân cây lạc sau khi thu hoạch củ được cắt bỏ phần gốc già (bỏ đi khoảng 10 – 15 cm), sau đó băm nhỏ đến 5 -6 cm. Băm xong để hong trong bóng râm tránh bị ủng vàng, rồi tiến hành ủ ngay trong 12 ngày. Khi ủ thân cây lạc cần bổ sung bột sắn hay cám gạo hoặc ngô và muối ăn theo tỷ lệ sau: cứ 100kg thân lá lạc cần bổ sung 6 – 7kg bột sắn (hay cám hoặc bột ngô) và 0,5 kg muối ăn. Thân cây lạc không được rửa ướt, nếu có dính đất hoặc sỏi đá thì cần rũ khô loại bỏ đất đá.

Hố ủ
–  Có nhiều cách tạo một hố ủ, việc ứng dụng loại hố ủ nào tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể từng gia đình. Hố ủ cần đạt các điều kiện sau:
+ Kích thước hố ủ tính toán sao cho vừa đủ lượng thân lá lạc cần ủ (trung bình dung tích hố ủ là một mét khối sẽ ủ được 400 – 500 kg thân lá lạc).
+ Độ chắc thành hố ủ: Thân lá lạc ủ chua trong điều kiện lên men yếm khí vì vậy thành hố ủ càng kín, chất lượng càng tốt. Tuyệt đối không được để nước bên ngoài thấm vào hố ủ trong suốt thời gian chế biến và sử dụng.
+ Vật liệu dùng đệm lót, tốt nhất là dùng tấm nilon hoặc tận dụng vải mua cũ, bao đựng phân đạm, lá chuối… mục đích chủ yếu tăng độ kín cho nguyên liệu ủ đồng thời tránh thức ăn bị nhiễm bẩn.
–        Một số loại hố ủ sau đây có thể áp dụng.
+ Hố ủ xây bằng gạch: rất tốt song giá thành khá cao, loại hình này có thể áp dụng cho các hộ nông dân có điều kiện kinh tế.
+ Hố ủ đào bằng đất nửa nổi nửa chìm: là loại hố ủ có thể áp dụng rộng rãi trong các hộ nông dân. Tạo hố ủ kiểu này nên lưu ý đến các vật liệu dùng làm đệm lót (tốt nhất nên dùng nilon, vải mưa cũ, bao đựng phân đạm, lá chuối…) nếu không dễ bị nước ngầm vào nguyên liệu gây thối, mốc. Hố ủ nên làm ở nơi khô ráo, sạch sẽ, không có nước thấm vào. Kinh nghiệm ở nhiều nơi làm hố tròn có đường kính khoảng 1m, đào sâu 1m và đắp cao thêm 0,4 m. Hố ủ này có dung tích 1,1 m3 và ủ được khoảng 440 – 480 kg thân lá lạc.

Cách ủ
Lót kỹ đáy và thành hố ủ bằng 1 – 2 lớp lá chuối tươi hoặc tấm áo mưa hỏng, bao tải dứa cũ hay tấm nilong để đất cát không lẫn vào thức ăn ủ. Hỗn hợp các nguyên liệu theo tỷ lệ, trộn đều ở ngoài hố ủ rồi bốc vào hố ủ theo từng lớp (mỗi lớp có độ dày 15 – 20 cm), dùng chân nén nguyên liệu cho chặt (càng chặt càng tốt). Cũng có thể cân lá lạc rồi trải vào hố ủ thành từng lớp có độ dày cũng từ 15 – 20 cm rồi rắc đều cám và muối theo tỷ lệ nêu trên, sau đó cũng nén lá lạc thật chặt. Cứ ủ lần lượt theo từng lớp như vậy cho tới khi hết thân lá lạc hay đầy hố.
Sau khi nén hết thân lá lạc, dùng nilong, vải mưa cũ, bao tải dứa, lá chuối, phủ kín lên rồi dùng xẻng xúc đất lấp lên (lớp đất dày cần thiết là 30 – 40 cm). Đầm nén chặt lớp đất và tạo thành hình mui rùa. Sau khi ủ xong 3 – 5 ngày để cho đống ủ ngót xuống, đầm nén lớp đã phủ và cho thêm một chút đất lên mặt và nén chặt lại. Dùng tranh, lá mía, lá cọ hoặc rơm, rạ phủ lên đống ủ một lớp dày để tránh nước mưa thấm xuống.

Cho ăn
Sau khi ủ 50 – 60 ngày mới có thể dùng cho gia súc ăn. Nếu chưa cần dùng đến có thể để lâu hơn (thậm chí hàng năm) chất lượng vẫn tốt. Thân lá lạc ủ chua có thể dùng cho gia súc ăn dần trong 3 – 4 tháng mà chất lượng vẫn tốt. Chú ý không cần nấu chín thức ăn ủ vì sẽ làm mất vitamin và các chất dinh dưỡng khác. Thân lá lạc ủ chua tốt có màu vàng nhạt, mềm, hơi đàn hồi, mùi như mùi dưa muối. Nếu thân lá lạc ủ có màu đen thẫm, nát, mùi khó ngửi là có chất lượng kém, bị hư hỏng, không nên cho ăn.
Lượng cho ăn
–  Trâu bò đang cày kéo: 10 -15 kg và ăn thêm cỏ xanh, rơm.
–  Trâu bò trong mùa đông: 5 – 6 kg/ngày, ăn thêm rơm, chăn thả. Khi lấy thân lá lạc ra để cho gia súc ăn nên lấy gọn gàng, theo trình tự, tránh lãng phí, nên lật lớp đất lên trên vừa đủ rộng, không được cùng một lúc bóc hết toàn bộ lớp đất phủ phía trên hố ủ. Hàng ngày lấy thức ăn ủ cho gia súc ăn sau đó cần dùng vải mưa hoặc bao tải che kín lại không cho nước mưa thấm vào thức ăn ủ chua.

1.7. Ủ chua ngọn lá sắn
Hằng năm ở nước ta có khoảng hơn 1 triệu tấn ngọn lá sắn tươi sau khi thu hoạch củ, còn ít được sử dụng làm thức ăn gia súc. Ngọn lá sắn tuy giàu protein (18 – 20% theo VCK) nhưng lại chứa độc tố xyanoglucozit làm gia súc chậm lớn hoặc có thể gây chết khi có hàm lượng cao. Nấu chín ngọn lá sắn làm giảm bớt độc tố, nhưng tiêu tốn chất đốt và lao động, ủ chua ngọn lá sắn có thể loại bỏ gần như hoàn toàn độc tố lại dự trữ được lâu dài cho trâu, bò ăn. Có thể thu ngọn lá sắn (bẻ đến phần còn lá xanh) trước khi thu hoạch củ 20 -30 ngày không thể ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng củ sắn. Một sào sắn có thể thu được 200 – 250kg ngọn lá sắn tươi. Đây là nguồn thức ăn có giá trị cho chăn nuôi. Ngọn lá sắn thu về cần phải dập phần thân cây (phần ngọn) và băm nhỏ 3 – 4 cm. Cứ 100 kg ngọn lá sắn cần bổ sung 5 – 6 kg bột sắn hay cám gạo hoặc bột ngô và 0,5 kg muối ăn. Phương pháp chuẩn bị hố ủ và cách ủ, cách sử dụng tương tự như đối với cây lạc ủ chua.

Related Posts
Call Now Button